1. Phát triển về thể chất:
– Bước đi của bé đã vững vàng hơn và dần thể hiện tốt hơn việc kiểm soát cơ thể của mình như: kéo đồ chơi phía sau hoặc mang theo đồ chơi lớn trong khi đang đi.
– Bé bắt đầu biết chạy. Thông qua hành động chạy, người lớn biết được đôi chân của bé đã biết phối hợp nhịp nhàng với nhau, đồng thời cơ thể bé đã có thể giữ thăng bằng tốt hơn.
Với những đồ vật ở trên cao, bé biết kiễng chân lên để với tới đồ vật. Nhờ sự tò mò muốn lấy đồ vật ở ngoài tầm với, chân của bé được luyện tập các động tác cứng cáp hơn để kiễng lên và với tay lấy đồ vật.
Cùng với sự phát triển vận động, bé đã biết kết hợp một số động tác đơn giản và nhảy theo các điệu nhạc quen thuộc mà bé yêu thích.
Bé bắt đầu tìm hiểu sự tương quan của các sự vật và đồ vật xung quanh mình. Quả bóng không chỉ là một thứ “vô tri” lăn đi lăn lại như trước đối với bé. Bé nhận ra khi đá, quả bóng sẽ lăn hoặc bay đi. Bé bắt đầu có những hành động này thường xuyên hơn.
Ở giai đoạn này, bé có thể tự đi lên cầu thang hoặc trèo lên bàn, ghế mà không cần nhờ tới sự trợ giúp của người lớn.
2. Kỹ năng của bé:
Bé dần phát triển kỹ năng vận động tinh thể hiện qua các hành động: bé thích tự viết hoặc vẽ nguệch ngoạc bằng bút màu. Bé thích bắt chước hành động của người lớn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Bé bắt đầu biết cách sử dụng thìa / muỗng khi ăn và tò mò về những thứ đựng trong chai lọ, hộp kín. Bé sẽ cố gắng tìm mọi cách để mở, xoay nắp ra hoặc kêu gọi sự trợ giúp của người lớn để có thể mở ra và khám phá đồ vật bên trong. Trong thời gian này bé cũng thường sử dụng tay trái hoặc phải nhiều hơn tay còn lại, khi đó người lớn có thể nhận ra đâu là tay thuận của con mình.
Bé bắt đầu thích khám phá và thích các trò chơi lắp ghép, xếp hình.
3. Cảm xúc và ngôn ngữ của bé:
Giai đoạn tuổi lên 2 là thời kỳ bùng nổ ngôn ngữ của trẻ. Sau thời gian tích lũy, ngôn ngữ bé đã tự tin hơn và bắt đầu bộc lộ ngôn ngữ của mình. Ban đầu, trẻ nói được các từ đơn và dần theo thời gian, bé sẽ nói được các từ ghép, cụm từ, câu đơn giản như: Cái gì đây? Đây là ai?…
Bé dần ghi nhớ và có thể bổ sung câu và nhịp điệu trong các bài thơ, bài hát quen thuộc khi giao tiếp với người lớn hoặc khi được người lớn hỏi.
Bé thích bắt chước công việc hàng ngày của người lớn và thích làm các việc đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày có sự hướng dẫn và hỗ trợ từ phía người lớn.
Bé biết tên của những người thân, bộ phận cơ thể, gọi tên những đồ vật, con vật quen thuộc.
Bé thể hiện sự hiểu biết về sự vật, đồ vật hoặc hình ảnh bằng cách sử dụng ngón trỏ để chỉ khi được nghe gọi tên.
Bé đã biết cách thể hiện cảm xúc trong giao tiếp thường ngày như hờn dỗi, vui mừng,…
4. Tình cảm xã hội của bé:
Bé bắt đầu biết cách mô phỏng các hành vi xã hội của người khác, đặc biệt là người lớn và những anh chị lớn hơn. Thỉnh thoảng bé biết thể hiện sự không hợp tác với bố mẹ khi không muốn làm việc gì đó hoặc muốn bố mẹ làm theo ý của mình.
Tâm lý lo lắng của bé có lúc dần tăng lên và cũng nhanh chóng biến mất theo thời gian.
Bé thắc mắc sự khác biệt của bản thân khi có các trẻ khác và bắt đầu tò mò về giới tính của mình.
5. Nhận thức của bé:
Bé thể hiện sự nhạy cảm với những đồ vật nhỏ và dễ dàng tìm thấy một đồ vật nếu nó bị giấu dưới 2 đến 3 lớp đồ khác.
Bé biết phân biệt và phân loại đồ đạc theo hình dạng và màu sắc. Bé thích các bộ đồ chơi xếp hình khối vào trong khuôn, các bộ đồ chơi lắp ghép.
Bé đã biết bắt chước và thể hiện cảm xúc trên gương mặt như giả mếu, giả khóc.
Khi được nghe người lớn kể chuyện bé được kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo cùng câu chuyện.
Bé nhận biết được các quy tắc mà trẻ nên làm và không nên làm nhờ sự hướng dẫn, nhắc nhở của người lớn, bố mẹ.
Leave Your Comment